Trước đây, dọc các trục đường như Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Xiển (quận 9), Huỳnh Tấn Phát (quận 7), Nguyễn Hữu Thọ (Nhà Bè)… luôn sôi động, tấp nập cảnh mở bán, chào hàng vào cuối tuần. Tuy nhiên, hiện nay lượng người đến săn tìm đất phân lô giá rẻ đã giảm đi rõ rệt, cảnh tượng mua bán diễn ra nhỏ giọt, đìu hiu.

Đơn cử, một khu đất trên đường Nguyễn Duy Trinh đã không còn thấy bóng dáng của đoàn nhân viên môi giới xếp hàng dài để phát tờ rơi, mời khách mua đất. Ngay cả những chiếc băng rôn chào bán cũng được gấp gọn, quẳng vào một góc. Tại cổng, chỉ có nhóm nhỏ gồm khoảng 4 – 5 nhân viên ngồi trực bàn. Họ cũng không đon đả chào mời như khi các dự án trước đó mở bán.

Trường hợp tương tự xảy ra với các dự án tại huyện Bình Chánh. Người mua tìm đến giảm mạnh về cả chất lượng lẫn số lượng, các công ty cũng bắt đầu thu dọn và rút khỏi địa bàn. Nhiều ‘thổ địa’ đã chia sẻ về sự sụt giảm diễn ra trong khoảng 2 tháng trở lại đây và không cho thấy nhiều kỳ vọng về sự tăng trưởng mạnh trở lại trong thời gian ngắn. Khách hàng đến cũng chỉ hỏi thăm, tham khảo chứ không thực sự đặt cọc và giao dịch.

Trao đổi với quý báo, anh Đỗ Duy Ngọc, một nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm cho hay anh không còn tin tưởng vào phân khúc đất nền cho dù đây có là kênh đầu tư cực kỳ hấp dẫn. Những tai tiếng sau hàng loạt vụ việcliên quan đến dự án ‘ma’, tiền mất tật mang đã khiến cho người có tiền cũng chùn tay. ‘Họ tự hô biến đất ruộng, đất rừng… thành đất thổ cư, tự vẽ ra quy hoạch mà lừa thì mình căn cứ vào đâu mà xuống tiền đặt cọc’ – anh Ngọc tâm sự.

Nhớ lại một chuyến thực tế dự án tại Đồng Nai, anh Ngọc được nhân viên môi giới hẹn đến một nhà hàng lớn ở đường Lê Duẩn, quận 1 để được tư vấn. Khi tới nơi, anh thấy nhân viên công ty đang trao đổi với nhiều khách hàng, công ty còn huy động xe 7 chỗ để đưa khách đến thực địa. Nhân viên còn mở ứng dụng tra cứu thông tin quy hoạch đất lên cho khách hàng xem.

Tuy nhiên, khi anh Ngọc yêu cầu xem giấy tờ pháp lý của dự án thì công ty lại chối quanh, hẹn anh lên văn phòng làm việc. Đến khi anh Ngọc lên văn phòng lại trả lời ‘khách đã đặt cọc, ký hợp đồng mới được xem giấy tờ pháp lý’. Cực chẳng đã, anh đấu tranh liên tục với thái độ cứng rắn thì nhân viên công ty mới thừa nhận, đây không hề là dự án. Không có quy hoạch 1/500 hay các giấy tờ khác nên về cơ bản, công ty đã quảng cáo sai sự thật, gian dối với khách hàng.

Các chuyên gia cho hay, câu chuyện của anh Ngọc ở trên là điều mà rất nhiều nhà đầu tư gặp phải trong năm 2019. Không hiếm các trường hợp đã ký kết hợp đồng xong xuôi với chủ đầu tư mới vỡ lẽ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, những biến động về giá cả cũng khiến nhà đầu tư cảm thấy gặp khó khăn khi bắt tay vào tìm kiếm. Thời điểm đất sốt, giá bị đẩy lên cao gấp chục lần, bằng 3-4 lần giá trị thực, mua vào chỉ có lỗ nặng. Do đó, những nền đất ‘sạch’ còn sót lại rất hiếm hoi và cũng phụ thuộc vào người sở hữu đất. Nhà đầu tư vì thế cũng không dám mạnh tay xuống tiền cho dự án mà thận trọng tìm hiểu trước.

Đồng quan điểm với nhà đầu tư có ông Nguyễn Văn Hậu, CEO của Asian Holding. Ông còn đánh giá, mặc dù đất nền có thực sự trải qua những sự cố đáng tiếc, nhưng nhà đầu tư cũng không cần quá giữ mình, e dè với cơ hội. Qua thời gian, những mảnh đất bị thổi giá sẽ trở về với giá trị thực. Khách hàng có nhu cầu ở thực sự hoặc nhà đầu tư lâu dài có thể sở hữu những lô đất dự án với giá tốt nhất cùng cơ sở pháp lý minh bạch.

Ông cũng dự đoán, trong năm 2020 nhà đầu tư sẽ chọn lựa sản phẩm khôn ngoan hơn. Nhiều người trước có thói quen mua bán sang tay rất không an toàn, thì nay sẽ phải cẩn thận hơn. Nghiên cứu pháp lý dự án, chủ đầu tư cũng như tham khảo nguồn uy tín là những việc nhà đầu tư sẽ phải làm nếu không muốn gặp rắc rối.